Bốn yếu tố xây dựng một chiến lược kinh doanh hoàn hảo
Bằng việc xây dựng chiến lược đúng đắn, DN có thể tập trung thời gian và nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chủ đạo để thực sự tạo nên sức mạnh cạnh tranh.
Việc doanh nghiệp (DN) xây dựng một chiến lược kinh doanh phù hợp với tiềm lực của mình, nhằm nắm bắt cơ hội, giảm thiểu rủi ro và đảm bảo cho sự phát triển sản xuất – kinh doanh ổn định, bền vững là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định thành công.
Thuật ngữ chiến lược kinh doanh có thể được hiểu theo các nội dung, gồm xác lập mục tiêu, tầm nhìn dài hạn của DN; xây dựng các kế hoạch hành động tổng quát; triển khai phân bổ nguồn lực trên cơ sở lựa chọn kế hoạch hành động phù hợp và tạo ra sự khác biệt với đối thủ cạnh tranh.
Nhiều doanh nghiệp thành công nhờ có chiến lược sáng suốt
Như vậy, một chiến lược kinh doanh phải hội tụ đủ 4 yếu tố, gồm mục tiêu chiến lược; phạm vi chiến lược; lợi thế cạnh tranh; các hoạt động chiến lược và năng lực cốt lõi.
Bốn yếu tố này đòi hỏi một sự nhất quán và ăn khớp với nhau. Điều đó có nghĩa, việc triển khai chiến lược kinh doanh phải đảm bảo các nội dung, gồm thiết lập mục tiêu kinh doanh hàng năm; đảm bảo các nguồn lực cho thực hiện chiến lược kinh doanh; xây dựng cơ cấu tổ chức gắn với việc triển khai thực hiện chiến lược kinh doanh, cùng các hoạt động điều chỉnh, đánh giá việc thực hiện chiến lược kinh doanh.
Trong điều kiện kinh tế và môi trường kinh doanh hiện tại của DN Việt Nam, hơn lúc nào hết, việc xây dựng chiến lược kinh doanh và nhất là, thực hiện chiến lược một cách nhất quán trở nên quan trọng, có ý nghĩa sống còn với nhiều DN.
Thực tế cho thấy, trong giai đoạn kinh tế khó khăn, số DN thua lỗ cao, trong đó có cả các DN quy mô lớn, thậm chí, nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước cũng trở nên yếu sức đi rất nhiều, khi những lĩnh vực đầu tư (ngoài ngành chính) bị ảnh hưởng bởi các quyết định đầu tư dàn trải, không được kiểm soát.
Tuy nhiên, bức tranh u ám trên đã được dự báo trước, khi các chuyên gia kinh tế không nhìn thấy sự bài bản, nhất quán trong xây dựng, hoạch định chiến lược, cũng như cách thức thực hiện chiến lược đó. Thậm chí, nhiều DN mắc phải những sai lầm trong quá trình xây dựng chiến lược, như thiếu tầm nhìn, sứ mệnh không rõ ràng, không chú trọng xây dựng năng lực cốt lõi…
Kèm theo đó còn là những quyết định đầu tư theo phong trào, không kiên định với định hướng ngành nghề kinh doanh chính, do đó, DN đã bị thua lỗ do không kiểm soát được các danh mục đầu tư…
Thực ra, đối với các DN Việt Nam, việc hoạch định và xây dựng chiến lược không có gì quá mới mẻ. Việc xác định các thông số đầu vào cho chiến lược cũng không phải quá khó, bắt đầu từ tầm nhìn, sứ mệnh, năng lực cốt lõi, lợi thế cạnh tranh và phạm vi cạnh tranh. Từ đó, DN có thể xác định các mục tiêu chiến lược, các chỉ tiêu chiến lược và kế hoạch hành động.
Song, chiến lược không tự nó trở nên có hiệu quả. Nó cần được chuyển thành các chính sách, có các biện pháp và kế hoạch cụ thể để thực hiện chiến lược có hiệu quả. Cần phải có những quy định nội bộ giải thích rõ ràng về lý do lựa chọn chiến lược để có hiệu quả và nó sẽ được kiểm soát, điều chỉnh (đặc biệt khi rủi ro xảy ra) như thế nào.
Khả năng nắm bắt kịp thời, linh hoạt trong thực hiện chiến lược phát triển trong bối cảnh điều kiện kinh doanh biến động phức tạp là yếu tố quan trọng trong sự thành công của chiến lược phát triển. Bởi vì bất kỳ kế hoạch nào cũng chứa đựng nguy cơ phát sinh những điều ngoài dự kiến, có khả năng gây trì hoãn hay hủy hoại kế hoạch. Vì vậy, DN nên chuẩn bị các phương án, kế hoạch đối phó với những sự cố bất ngờ có thể xảy ra, để nhanh chóng quyết định thông qua một chiến lược thay thế nhanh, sẵn sàng đáp ứng với tình hình mới.
Kế hoạch đối phó sự cố bất ngờ được chuẩn bị sẵn cũng tạo cho mọi người tâm lý sẵn sàng và chủ động trong giải quyết những tình huống bất lợi. Khi khủng hoảng xảy ra, các nhà quản lý và nhân viên không phải bỏ ra quá nhiều thời gian, hay ngân quỹ để đối phó với tình hình mới này.
Bằng việc xây dựng chiến lược đúng đắn, DN có thể tập trung thời gian và nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chủ đạo để thực sự tạo nên sức mạnh cạnh tranh.
Leave a Reply