5 bí quyết bán đắt hàng trên facebook bạn cần nắm rõ
Facebook có thể giúp bán hầu hết mọi thứ, nhưng không phải là tất cả. Những sản phẩm trong lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, thực phẩm, dịch vụ, nhà hàng, sự kiện… thực sự hiệu quả, do tâm lý mua hàng trực tuyến của người dùng bây giờ cũng cởi mở và sẵn lòng hơn.
Tại Việt Nam, trong khoảng 5 năm trở lại đây, facebook ngày càng phát triển mạnh trong khi các nền tảng mạng xã hội khác hầu như bị “thất sủng”. Đến tháng 5/2015, cả nước có khoảng 40 triệu người dùng internet, trong đó 75% có tài khoản facebook. Trang mạng này thực sự trở thành một thế lực truyền thông được yêu thích và truy cập nhiều nhất tại Việt Nam.
Cộng đồng doanh nhân, những người khởi nghiệp và cá nhân bán hàng trực tuyến trên mạng không còn xa lạ với facebook, bởi đây là công cụ đầu tiên và cần phải tham gia để bán hàng. Các thương hiệu lớn trong nước, ngân hàng, nhà hàng, siêu thị… hầu hết đã và đang sử dụng mạng xã hội này để làm thương hiệu, quảng cáo và trực tiếp bán hàng. Nền tảng này cũng vừa đánh dấu dấu mốc đáng nhớ khi có tới 2 triệu nhà quảng cáo trong hệ thống. Có thể nói, nếu không bán hàng, không kết bạn, không quảng cáo trên facebook, tức là người bán đã bỏ qua 30 triệu khách hàng tiềm năng Việt Nam.
Facebook đặc biệt quan tâm tới thị trường Việt Nam, một thị trường tăng trưởng rất nhanh về số người dùng, số nhà quảng cáo và doanh thu. Thực tế, có nhiều người thành công nhờ tự học, từ mày mò cách bán hàng tại đây, nhưng cũng có những trường hợp chỉ làm giàu cho Facebook do quảng cáo kém hiệu quả. Sau đây là một số lời khuyên và kinh nghiệm bán hàng trên facebook hiệu quả dành cho các doanh nghiệp và những người tự doanh.
1
Lựa chọn sản phẩm và dịch vụ phù hợp
Facebook có thể giúp bán hầu hết mọi thứ, nhưng không phải là tất cả. Những sản phẩm trong lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, thực phẩm, dịch vụ, nhà hàng, sự kiện… thực sự hiệu quả, do tâm lý mua hàng trực tuyến của người dùng bây giờ cũng cởi mở và sẵn lòng hơn.
Tuy vậy, người bán phải luôn tập trung vào chất lượng và giá thành của sản phẩm. Hãy luôn bán các sản phẩm đúng chất lượng, đúng cam kết, đúng giá thành, đưa ra những thông tin rõ ràng, trung thực về sản phẩm, kể cả bán hàng “second hand” thì khách hàng vẫn có nhu cầu mua hàng và tin tưởng vào lời nói uy tín.
Dịch vụ bán hàng và chăm sóc khách hàng trước cũng sẽ tạo ra sự khác biệt của bạn với những người bán hàng khác. Hàng hóa thì khó có thể tránh được sự tương đồng, nhưng dịch vụ thì bạn có thể làm khác biệt.
2
Am hiểu khách hàng tiềm năng
Facebook chỉ là một công cụ marketing, quảng cáo giúp bạn tìm kiếm và chia sẻ thông tin của người bán, hàng hóa… đến với người dùng. Nếu như sản phẩm, dịch vụ của bạn không phù hợp về chất lượng hoặc giá cả với người dùng thì rất khó có thể bán hàng thành công, dù ở bất cứ đâu chứ không phải chỉ ở trên Facebook. Vì vậy, bạn phải am hiểu, thấu hiểu tập khách hàng tiềm năng của chính sản phẩm hay dịch vụ đó.
Khi am hiểu, người bán sẽ biết khách hàng muốn gì, cần gì, vì sao họ lại mua hàng, vì sao họ không mua hàng. Bạn cần biết về tuổi tác, giới tính, sở thích, hành vi trực tuyến, thiết bị điện tử, thói quen, khả năng chi tiêu… của khách, từ đó có những thay đổi về hình ảnh, thông điệp quảng cáo, nhắm chọn tập khách hàng tốt hơn. Facebook có khả năng nhắm chọn tập khách hàng thông qua công nghệ quảng cáo thông minh dựa trên nền tảng “profile của người dùng”.
3
Sử dụng hiệu quả các tính năng quảng cáo cao cấp
Facebook có nhiều tính năng và công nghệ quảng cáo khá cao cấp và hiệu quả, như tối ưu thông điệp và hình ảnh, video cho quảng cáo; nhắm chọn và tối ưu nền tảng và thiết bị xem quảng cáo; nhắm chọn sở thích và thống kê dân số của người xem quảng cáo; nhắm chọn và tối ưu vị trí hiển thị quảng cáo; nhắm chọn tập khách hàng “mã xác định người dùng”; sử dụng các mã phiếu giảm giá (Coupon) một lần và nhiều lần để chạy quảng cáo….
Thực tế cho thấy nhiều nhà quảng cáo đã bỏ qua, chưa sử dụng hết hoặc phối hợp tốt những tính năng cao cấp dẫn tới hiệu quả không cao, gây lãng phí về chi phí và giảm hiệu suất quảng cáo cho những người đang bán hàng trên mạng xã hội.
4
Phân tích và đánh giá hiệu quả quảng cáo qua chiến dịch
Với mỗi chiến dịch quảng cáo dài hạn hoặc ngắn hạn, sau một thời gian chạy quảng cáo bán hàng, nên dành thời gian phân tích các chỉ số đo lường hiệu quả như CPC (giá của một click), CTR (tỷ lệ click vào quảng cáo), CPM (giá của 1.000 lượt hiển thị), lượt truy cập website (nếu có), số lượng khách hàng phản hồi thông qua facebook hoặc website hoặc điện thoại/ email…, số đơn hàng được bán ra, doanh thu thu về, chi phí cho một đơn hàng (CPO) là bao nhiêu?
Từ sự phân tích đó, người bán hàng có thể rút kinh nghiệm và cải tiến các khâu trong quá trình quảng cáo, phục vụ khách hàng làm sao tăng tính hiệu quả cao nhất. Lưu trữ thông tin khách hàng cũng là yếu tố gia tăng tình cảm, sự nhận biết và lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu của bạn.
5
Duy trì và phát triển marketing quan hệ với khách hàng
Facebook có tính năng báo sinh nhật bạn bè của mình, hãy tận dụng tính năng này để gửi lời chúc tốt đẹp tới những người bạn của mình trên Facebook một cách chân thành. Kết hợp với các tính năng chat, group, event, để duy trì và phát triển mối quan hệ với khách hàng (đối với những nhà bán lẻ lớn hoặc kinh doanh lâu dài).
Ngoài ra, người bán hàng có thể tạo các nhóm kín dành cho khách hàng hiện tại, khách hàng tiềm năng, tổ chức các câu lạc bộ khách hàng hỗ trợ lẫn nhau để gia tăng ảnh hưởng của người bán (dù là lớn hay nhỏ). Có thể tổ chức sự kiện offline cho khách hàng, nhà cung cấp… để tăng cường mối quan hệ và thấu hiểu lẫn nhau.
Leave a Reply